Tin tức

VTG 2024: Thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa

Sáng ngày 25/9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), chính thức khai mạc Triển lãm Quốc tế về Máy móc Thiết bị Công nghiệp Ngành Dệt & May Việt Nam - VTG 2024. Triển lãm được diễn ra ngày 25 – 28/9/2024, quy tụ gần 400 doanh nghiệp ngành dệt may đến tham dự.

a1-1727280826.jpg

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Quốc tế về May móc Thiết bị Công nghệ Ngành Dệt & May Việt Nam (VTG 2024). Ảnh Quốc Cường

Năm nay, Triển lãm Quốc tế về Máy móc Thiết bị Công nghiệp Ngành Dệt & May Việt Nam (VTG 2024) được tổ chức đồng thời cùng với Triển lãm Quốc tế Phụ liệu Dệt & May Việt Nam (VITATEX), Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Nhuộm và Hóa chất Việt Nam (DYECHEM) và Triển lãm Quốc tế Máy móc và Nguyên liệu Giày dép Việt Nam (VFM). Sự kết hợp 4 triển lãm tạo nên một chuỗi cung ứng toàn diện của các ngành công nghiệp Dệt may, nguyên phụ liệu và công nghiệp nhuộm và hoá chất.

Triển lãm với qui mô 15.000m2, quy tụ hơn 380 doanh nghiệp của 580 gian hàng từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.

Triển lãm trưng bày các sản phẩm, công nghệ máy móc tiên tiến nhất trong ngành dệt may, hướng tới các công nghệ số hóa nhà máy, thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại vải của thị trường hiện nay.

a2-1727280907.jpg

Thiết bị ngành Dệt May được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh Quốc Cường).

Triển lãm VTG 2024 sẽ quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực máy móc ngành Dệt may như: TAJIMA, SANSIN, EPSON (THN), HAPPY JAPAN, và VIET TIEN TUNG SHING, mang đến những giải pháp tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp này sẽ góp phần quan trọng trong việc trao đổi kiến thức, giúp nâng cao chuyên môn cho các đơn vị tham gia, đồng thời bắt kịp các xu hướng và đổi mới quan trọng trên cả thị trường trong nước và toàn cầu.

VTG 2024 không chỉ là một triển lãm về chuỗi cung ứng dệt may, mà còn đóng vai trò như một sự kiện quan trọng tạo cơ hội giao thương và cải tiến công nghệ, trao đổi chuyên môn và là chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi của toàn ngành.

Theo trang tin của Tập Đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Việt Nam đã được 73 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và việc Hoa Kỳ ngày 2/8 vừa qua vừa thông báo chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Theo nhận định của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành dệt may, thì bất ổn chính trị tại Bangladesh đã tạo ra những cơ hội về dịch chuyển đơn hàng đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may trong đó có Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam là có trong thời điểm từ nay tới hết năm 2024, tuy nhiên bước sang năm 2025 sóng dịch chuyển đơn hàng sẽ không còn mà trở về đúng năng lực cạnh tranh và thế mạnh sản xuất đơn hàng của mỗi quốc gia.

a4-1727281045.jpg

Triển lãm VTG 2024 thu hút hơn 380 doanh nghiệp của 580 gian hàng từ nhiều quốc gia. (Ảnh Quốc Cường).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có phướng hướng riêng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và tăng cường vị thế của mình trên thương trường quốc tế với vai trò là nhà cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm, độ linh hoạt, thời gian giao hàng…

Trong 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, hiện tại thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%, đứng đầu ở thị phần Mỹ; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4% (Nguồn: Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Ban Kinh tế Trung Ương).

Triển lãm Quốc tế Phụ liệu Dệt & May Việt Nam (VITATEX) sẽ giới thiệu những công nghệ tiên tiến mới nhất trong lĩnh vực vải, sợi và phụ liệu, mang đến các giải pháp dệt may toàn diện. Trong bối cảnh sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu vể vải của Việt Nam, ngành công nghiệp này vẫn phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu. Triển lãm năm nay sẽ quy tụ các nhà sản xuất quốc tế hàng đầu như: MORIRIN, T&S, CELEB, KINGSAFE, JAY JAY và TOP ONE... cùng với sự trưng bày các loại vải chất lượng cao và đa dạng hóa, nhằm đáp ứng và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của ngành may mặc.

Thị trường giày dép toàn cầu ước tính đạt 384,2 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường sẽ tăng lên 440 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,3%/năm trong giai đoạn 2020 - 2026 (Bộ Công Thương, 2024)

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024 (Nguồn: Hiệp Hội Da giày - Túi xách Việt Nam).

Năm 2024, thị trường thuốc nhuộm và hóa chất toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc nhuộm vải trong các ngành như may mặc, ô tô, và quần áo bảo hộ. Với sự mở rộng nhanh chóng của ngành dệt may, nhu cầu về thuốc nhuộm và thuốc màu đang tăng mạnh. Tính bền vững về môi trường, đặc biệt là trong quy trình nhuộm, là ưu tiên hàng đầu.

Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Nhuộm và Hóa chất Việt Nam (DYECHEM) sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu như NANJING GOLDEN CHEMICAL, SHREE PUSHKAR và ELKEM SILICONE, giới thiệu các giải pháp nhuộm thân thiện với môi trường. Những giải pháp này được thiết kế để hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU), giúp nâng cao tính bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra nhiều phiên thảo luận về các chủ đề như: tiến bộ công nghệ, tự động hóa và tính bền vững trong ngành dệt may Việt Nam. Các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh những vấn đề thiết yếu như nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng kinh tế của Việt Nam đối với ngành giày dép, và các chiến lược nâng cao giá trị ngành thông qua việc phát triển các chuỗi cung ứng vải có tác động cao./.