Triển lãm

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM và các Tỉnh

Tại Nhà Thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ, TP.HCM diễn ra khai mạc Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024. Hội nghị diễn ra từ ngày 26 đến 29/9. Hội nghị do UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Công Thương TP.HCM phối hợp các tỉnh, thành thực hiện.

 

Đại biểu tham gia nghi thức khai mạc hội chợ trong khuôn khổ hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trương Thanh Hoài; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Võ Văn Hoan; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các sở ngành, đại diện hợp tác xã và doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tham dự sự kiện, về phía tỉnh Long An có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương -Trần Thanh Toản.  

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm tham quan các gian hàng của Long An

Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành là hoạt động thường niên do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức từ năm 2012 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại quan trọng trong tổng thể hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và các địa phương.

Thông qua sự hợp tác này sẽ xây dựng được chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến thị trường, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, với chủ đề “Kết nối trách nhiệm - Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”, hội nghị kết nối cung cầu năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 700 gian hàng.

 

Tỉnh Long An có đến 48 gian hàng là sản phẩm của 37 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trực tiếp với đa dạng các ngành nghề, sản phẩm

Tại sự kiện này, tỉnh Long An có đến 48 gian hàng là sản phẩm của 37 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trực tiếp với đa dạng các ngành nghề, sản phẩm (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm tiêu dùng,...).

 

Đại biểu tham quan các gian hàng của Long An

Ban Tổ chức đánh giá, Long An là địa phương tham gia trưng bày sản phẩm với quy mô lớn nhất trong các tỉnh, thành phố tham gia sự kiện. Theo đó, khu trưng bày, triển lãm chung của tỉnh tái hiện lại hình ảnh nhà tranh, xuồng chở các loại nông sản chủ lực của tỉnh, hình ảnh rồng và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc,… thu hút khách hàng tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.  

 

Khu trưng bày, triển lãm chung của tỉnh Long An tái hiện lại hình ảnh nhà tranh, xuồng chở các loại nông sản chủ lực của tỉnh, hình ảnh rồng và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức tổ chức hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là nội dung mới, được lãnh đạo Thành ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát động từ tháng 3 năm 2024.

Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Ngoài ra, sự kiện còn có Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hướng đến chuỗi cung ứng “Bền vững - An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch” góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng.

 

Sự kiện còn có hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Đặc biệt, sự kiện còn có hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước với 1 phiên kết nối tập trung ngày 26/9 và 6 phiên kết nối chuyên đề ngày 27/9/2024.

Hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố còn tập trung giải pháp “sau kết nối”.

Theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng, giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho,… trong giai đoạn đầu.

Hội nghị năm nay tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua - bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến; chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phối hiện đại, phương thức tham gia sàn thương mại điện tử, kênh phân phối truyền thống,…; qua đó, góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhà cung ứng của doanh nghiệp phân phối, tiết kiệm chi phí đưa hàng vào kênh phân phối của doanh nghiệp cung ứng./.

Mai Hương - Hoàng Tuân

Gửi cho tôi:

(*) Các mục bắt buộc nhập

Gửi cho tôi:

(*) Các mục bắt buộc nhập

  • Dữ liệu trống
  • Dữ liệu trống
  • Dữ liệu trống