Y Tế

Triển lãm quốc tế VTG hướng tới số hóa ngành dệt may

Triển lãm quốc tế VTG hướng tới số hóa ngành dệt may

Triển lãm VTG chủ đề "Dệt 4.0 - Ngành Dệt may trong cách mạng công nghiệp" nhằm mục tiêu tối ưu sản xuất ngành dệt bằng công nghệ, diễn ra từ 25-28/10.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng và tình hình kinh tế nhiều biến động, số hóa ngành dệt được coi là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Triển lãm quốc tế quy tụ hơn 500 doanh nghiệp từ hơn 15 quốc gia, trong đó, có hơn 4 khu vực triển lãm quốc tế tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

Khai mạc triển lãm quốc tế ngành dệt. Ảnh: VTG

Khai mạc triển lãm quốc tế ngành dệt. Ảnh: VTG

Theo đại diện ban tổ chức, triển lãm tập trung vào mục tiêu số hóa nhà máy, thúc đẩy hiện đại hóa ngành dệt. Điều này xuất phát từ bối cảnh thực tế, trong nửa đầu năm nay, ngành dệt Việt Nam đối diện với nhiều thách thức do dây chuyền sản xuất lạc hậu và tình trạng thiếu hụt lao động.

"Trong khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách biến 'nguy' thành 'cơ', thông qua việc đánh giá toàn diện chất lượng nhà máy, tận dụng công cụ số để nâng cao hiệu suất tổng thể và giảm chi phí", bà Judy Wang, Tổng giám đốc đơn vị tổ chức VTG nói.

Để cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh trong ngành dệt may và sản xuất giày, triển lãm quy tụ các đơn vị sản xuất thiết bị dệt may quốc tế nổi tiếng trình làng công nghệ tự động hóa tiên tiến. Việc số hóa nhà máy không chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng thời, phù hợp cam kết số hóa quốc gia tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp gồm Tajima - hãng máy thêu toàn cầu, Kyang Yhe - nhà sản xuất máy dệt vải jacquard, Sansin - tập đoàn sản xuất máy in số, Epson - đơn vị in ấn trên vải... sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm trong triển lãm để cải thiện hiệu suất tổng thể việc sản xuất hàng may mặc.

Ngoài số hóa nhà máy, các vấn đề cải thiện chất lượng nhuộm vải theo hướng thân thiện môi trường cũng được đơn vị tổ chức đề cập trong triển lãm. Thực tế, năng lực sản xuất trong nước của Việt Nam chỉ đáp ứng 25% nhu cầu vải, ngành dệt may đang phụ thuộc nặng nề vào sự mở rộng ngày càng tăng của việc nhập khẩu vải. Để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến vấn đề làm chủ công nghệ nhuộm. Đó là lý do hội thảo quy tụ các đơn vị quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm lựa chọn vải nhuộm chất lượng, tối ưu hóa quy trình nhuộm vải.

Vấn đề môi trường quanh việc nhuộm vải cũng phần nào được giải quyết thông qua triển lãm, mục tiêu thực hiện chiến lược thân thiện với môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG.

Du khách tham quan triển lãm sáng 25/10. Ảnh: VTG

Du khách tham quan triển lãm sáng 25/10. Ảnh: VTG

Ngoài triển lãm chính, sự kiện còn có các hội thảo diễn ra trong hai ngày 26 và 27/10. Trong đó, sáng 26/10, SEA sẽ trình bày nội dung "Hành trình phát triển chuỗi cung ứng dệt may bền vững cùng Bluesign. Buổi chiều, Hiệp hội Bông và Sợi Việt Nam sẽ thảo luận về "Công nghiệp kéo sợi và Dệt may 4.0: Chuyển đổi để phát triển bền vững".

Sáng 27/10, Hiệp hội Dệt may và Thêu đan sẽ đưa ra các góc nhìn để thúc đẩy ngành công nghiệp dệt may chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Buổi chiều, ông Trần Minh Nhựt, giảng viên từ Đại học Hoa Sen sẽ chia sẻ nội dung "Dệt may: Xu thế bền vững và chuyển đổi số".

Triển lãm VTG là sự kiện lớn của ngành dệt may Việt Nam, mở ra nền tảng để trao đổi chuyên môn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dệt. VTG được tổ chức Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad - Bộ Công Thương phối hợp công ty Yorkers. Ngoài ra, sự kiện cũng được hỗ trợ bởi các tổ chức uy tín như Hiệp hội Bông và Sợi Việt Nam (VCOSA), Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Hội Da giày TP HCM (SLA).

Thảo Vân

 

Tags: hoichotrienlam.vn