Triển lãm thu hút hơn 10 quốc gia cùng gần 200 thương hiệu tham gia.
Ngày 10/8, Triển lãm sản xuất công nghiệp quốc tế - Vietnam Manufacturing Expo (VME) đã khai mạc tại Hà Nội với sự góp mặt của hơn 10 quốc gia cùng gần 200 thương hiệu công nghệ và máy móc, thiết bị công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Ấn Độ…
Triển lãm VME năm nay được tổ chức xuyên suốt trong ba ngày (10-12/08/2022) với các hoạt động: trình diễn, cập nhật công nghệ; thử thách xếp hình lắp ráp cho kỹ sư; tọa đàm sáng kiến doanh nghiệp; đặc biệt là hai khóa đào tạo ngắn về “Sản xuất tinh gọn”.
Ngoài ra, tại triển lãm cũng diễn ra các hoạt động giao thương hướng đến doanh nghiệp nội địa và quốc tế như chuỗi hội thảo tư vấn chuyên đề, các bản tin cập nhật công nghệ tiên tiến nổi bật từ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới, chương trình hỗ trợ tư vấn kinh doanh miễn phí, lễ vinh danh doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Dự án Cộng đồng sáng kiến doanh nghiệp... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19.
Các diễn giả thảo luận về "sản xuất tinh gọn".
Trong khuôn khổ triển lãm, chương trình đào tạo “Lãnh đạo trong sản xuất” nhằm mục đích không chỉ hướng đến các “gã khổng lồ” với tiềm năng tài chính, hệ thống máy móc thiết bị tối tân mà còn hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang muốn nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ vận hành, hướng đến sự “tinh gọn” về mặt con người trong tổ chức.
Đặc biệt, triển lãm VME còn có phần cập nhật công nghệ đến từ Delta, nhà tư vấn và cung cấp giải pháp toàn cầu (trụ sở chính đặt tại Đài Loan) về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả thiết thực.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex - đơn vị tổ chức, cho rằng khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ, nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Điểm mới của sự kiện năm nay là sự tham gia của đại diện mua hàng của các khách hàng lớn từ Bắc Mỹ đối với sản phẩm cơ khí cho ngành xây dựng, dầu khí và ô tô… mở ra cơ hội sản xuất linh kiện xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhấn mạnh rằng các vấn đề tự động hóa, vận hành tinh gọn, tham gia chuỗi cung ứng… luôn được các doanh nghiệp quan tâm.
Các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trong giai đoạn tiến đến quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy, do đó cần có thêm kinh nghiệm và kiến thức từ những mô hình hiệu quả đã được áp dụng.
Theo ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc, PNQ Solutions Co., Ltd, đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng.
"Đối mặt với những thách thức chưa từng có đó, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất - đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các doanh nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh.
Đại diện Delta, ông Huỳnh Trung Hiếu đồng tình, sau đại dịch, ngành sản xuất Việt Nam thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về IoT, robot, tiết kiệm năng lượng, chất lượng điện ... để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Đây là cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện năng suất với hệ sinh thái hoàn chỉnh về cả phần cứng và phần mềm thông qua công nghệ tự động hóa tiên tiến, các giải pháp sản xuất thông minh.